Hội đền Hét
Ðã thành lệ, hàng năm cứ vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch, đông đảo nhân dân xã Thái Thượng, con em xa quê, du khách thập phương lại nô nức trở về tham dự lễ hội đền Hét, hoà mình trong các trò chơi dân gian độc đáo, tưởng nhớ công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm bảo vệ yên bình cho vùng đất cửa biển nơi đây.
Ðền Hét (xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy) thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão (1255-1320), quê ở làng Phù Ủng (nay là huyện Ân Thi, Hưng Yên). Ông là người tài cao, tinh thông võ nghệ, giỏi phép dụng binh. Trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên-Mông, Phạm Ngũ Lão cầm quân đi đánh giặc, lập được nhiều chiến công lớn, được vua Trần tin yêu, Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn gả con gái cho và được phong làm Ðiện Suý Thượng tướng quân. Khi được vua Trần giao cho thống lĩnh 3 quân trấn thủ, bảo vệ vùng biên giới Ðông Bắc, tướng quân Phạm Ngũ lão đã chọn cửa biển Ðại Toàn (nay là cửa biển Diêm Ðiền)- mảnh đất địa linh nhân kiệt có thế long giáng, hổ vờn làm nơi đóng đồn, dựng trại huấn luyện binh sỹ. Nơi ông đóng quân, sau này nhân dân địa phương xây đền thờ phụng.
Hàng năm, từ ngày mùng 7 đến mùng 9 tháng Giêng âm lịch, xã Thái Thượng tổ chức lễ hội đền Hét. Lễ hội chính được tổ chức vào ngày mùng 8 ( lấy mốc lịch sử vào ngày mùng 8 tháng Giêng năm Mậu Tý 1288, tướng và quân nhà Trần đã xuất quân đi đánh quân Nguyên tại cửa biển Ðại Bàng -cửa Thái Bình ngày nay). Trong lễ hội, ngoài phần tế lễ, rước, dâng hương, còn tổ chức biểu diễn văn nghệ, thi đấu bóng chuyền, vật cầu, vật đô, kéo co, đua thuyền….. mang sắc thái riêng của cư dân đi biển; vừa để tưởng nhớ vị tướng giỏi một thời, vừa gìn giữ những nét văn hoá truyền thống địa phương.
Môn vật đô, trước đây chỉ có những trai làng tham gia, nhưng những năm gần đây cứ đến hội đền Hét, nhiều đô vật khắp các tỉnh thành Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương về tham dự. Ðặc biệt, môn vật cầu do Tướng quân Phạm Ngũ Lão sáng lập ra để rèn luyện sức khoẻ cho binh sỹ khi đóng quân tại nơi này vẫn được nhân dân địa phương lưu truyền nguyên bản đến ngày hôm nay. Vận động viên là những trai làng có sức vóc cường tráng, khoẻ mạnh, khi vào đền thắp hương xong ra sân chia làm 2 đội ( đội Nông và Ngư), mỗi đội có 9 người gồm 1 tướng và 8 quân thi đấu trên một bãi cát. Quả cầu làm bằng củ chuối nặng 8 kg đặt ở giữa, 2 bên trái- phải đặt hai bồ cách củ chuối 8 m. Sau hiệu lệnh của tướng, cuộc vật cầu bắt đầu, quả cầu tròn nhẵn, rắn và nặng nên đòi hỏi người chơi phải lấy hết sức, can đảm, phát huy sức mạnh tập thể để nâng cầu lên.
Sau thời gian thi đấu 1 tiếng 25 phút, đội nào đưa được cầu vào bồ của mình nhiều lần đội đó sẽ thắng cuộc. Sau đó quả cầu được đem về chia nhau trồng trong vườn lấy may. Vật cầu đã trở thành môn thể thao độc đáo, thể hiện tính cộng đồng, tái hiện tinh thần thượng võ có một không hai ở vùng quê ven biển này.
Cụ Phạm Ðức Lân, Trưởng Ban quản lý di tích đền Hét cho biết: lễ hội đền Hét là lễ hội lớn trong vùng, mỗi năm có khoảng từ 7.000 đến 8.000 lượt khách thập phương khắp các tỉnh về dâng hương, tham dự các trò chơi dân gian.
Nhờ tấm lòng của người dân địa phương, con em xa, khách thập phương nên những năm qua chính quyền địa phương, Ban Quản lý di tích đã đầu tư tôn tạo khu di tích, xây dựng thêm một số hạng mục công trình. Tuy nhiên, khuôn viên của đền hiện chỉ có hơn 4.000m2 để tổ chức lễ hội và đón lượng du khách lớn như vậy. Vì vậy, Thái Thượng đề nghị Nhà nước quan tâm hỗ trợ địa phương nguồn kinh phí để mở rộng khuôn viên ngôi đền, đầu tư xây dựng sân để tổ chức thi đấu các môn thể thao một cách truyền thống bài bản, chuyên nghiệp hơn… và xứng tầm với quy mô công trình di tích lịch sử cấp Quốc gia.