Đền Đồng Bằng – nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống cần được bảo tồn và phát huy


Theo tục lệ hàng năm, lễ hội đền Đồng Bằng được tổ chức kéo dài khoảng một tuần từ ngày 20/8 đến ngày 26/8 âm lịch, lễ hội thu hút đông đảo con nhang đệ tử, nhân dân và du khách gần xa.

Lễ hội bao gồm phần lễ là các nghi lễ tế thần, lễ rước, dâng hương, diễn lại tích xưa vua cha đi đánh giặc, được cử hành long trọng, uy nghi và tôn kính; bên cạnh đó phần hội cũng diễn ra khá sôi động với những trò chơi mang đậm tính dân gian như hát văn hầu bóng, kéo co, chọi gà, cờ tướng, đấu vật…, trong đó đáng chú ý nhất là tục đua thuyền.
Hội đua thuyền làng Đào Động trước đây nổi tiếng khắp cả vùng, gần đây mới được khôi phục và thường kéo dài suốt 5 ngày lễ. Theo tục lệ, sáng ngày 21/8 âm lịch, một đám rước uy nghiêm, long trọng được nhân dân tiến hành rước Đức Vua cha từ đền ra đình Bơi để mở hội đua thuyền, người dân tin rằng Đức Vua cha cùng các vị thần linh sẽ ngự giá để xem làng đua thuyền. Trong những ngày 22, 23, 24/8, hội đua thuyền diễn ra trong không khí tranh đua sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Hội đua thuyền là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian chứa đựng những giá trị truyền thống tốt đẹp của một dân tộc có truyền thống thượng võ và giỏi về thủy chiến, cũng là biểu hiện của ý thức đoàn kết dân tộc, tinh thần cố kết cộng đồng, là nét đẹp văn hóa, mang giá trị thể thao và giải trí. Hội đua thuyền vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay để nhắc nhở thế hệ sau tưởng nhớ công lao to lớn của Hưng Đạo Đại Vương cùng tướng sĩ nhà Trần trong chiến công hiển hách Bạch Đằng lịch sử

Ngày 26/8 là ngày giã hội, theo thường lệ một cuộc rước long trọng được tiến hành để mời Đức Vua cha và các vị thần trở về Đền. Lễ hội đền Đồng Bằng kết thúc với niềm phấn khởi và những ước vọng cho một năm gặp nhiều may mắn.

Nhận thức được giá trị truyền thống văn hóa của lễ hội đền Đồng Bằng đối với đời sống của nhân dân cũng như việc phát triển du lịch văn hóa tâm linh, nên đền Đồng Bằng luôn được đón nhận sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đóng góp của nhân dân và du khách. Cùng với đó là sự tăng cường công tác quản lý lễ hội để đảm bảo các yếu tố văn hóa đẹp, lành mạnh tiếp tục được phát huy, làm cho đời sống tinh thần của nhân dân thêm phong phú, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, hạn chế, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xu hướng thương mại hóa…, không làm ảnh hưởng, phá vỡ kỷ cương và không khí tôn nghiêm vốn có của chốn linh thiêng, không làm lu mờ và méo mó các giá trị đích thực của lễ hội.

Thiết kế bởi MinhDuongADS.Com

cửa nhôm kính phòng marketing thuê ngoài quảng cáo facebook cửa panel